4 địa điểm check in trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh mới nhất 2022

Núi Bà Đen Tây Ninh là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ. Năm 2021, có 4 địa điểm mới tha hồ check in trên đỉnh núi Bà Đen như nhà ga cáp treo lớn nhất, tượng phật bà, vườn hoa tựa Đà Lạt, … 

4 địa điểm check in trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh mới nhất 2022

Tượng Phật Bà Quan Âm trên đỉnh núi Bà Đen
tượng Phật Bà Quan Âm lớn nhất Việt Nam

Trước đây, những gì mà mọi người thường biết đến núi Bà Đen có thể sẽ là chùa Bà, nhưng từ những ngày đầu năm 2021 du khách lại ùn ụt kéo đến vì sự mới mẻ của đỉnh núi. Không chỉ riêng Chùa Bà mới có giá trị tâm linh ở núi Bà Đen, mà trên đỉnh còn có tượng Phật Bà Quan Âm lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, đỉnh núi Bà Tây Ninh còn có giá trị văn hoá, du lịch thu hút đông đảo du khách đến nhiều nhất từ đầu năm Tân Sửu đến nay.

Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới

Ngày 18/01/2020, hệ thống cáp treo núi Bà Đen đã chính thức đi vào hoạt động sau hơn 1,5 năm thiết kế và xây dựng. Công trình được xây dựng bởi tập đoàn Sun Group (Không phải VinGroup nha, nhiều người lầm tưởng người đang thầu và xây dựng khu du lịch Núi Bà Đen là VinGroup ) với tổng kinh phí đầu tư hơn 2000 tỷ đồng.

Sự mới mẻ của Núi Bà Đen 2021 chính là 3 nhà ga được thiết kế hết sức độc đáo của Sun World Ba Den Mountain, đây không chỉ là nơi trung chuyển hành khách đến các điểm tham quan trên núi, mà còn là nơi chụp ảnh đẹp thu hút ống kính của nhiều du khách.

Nhà Ga Bà Đen

Với tổng diện tích 10.959 , độ cao 42m, Ga Bà Đen (ga đi của 2 tuyến cáp chùa Hang và tuyến cáp Vân Sơn) đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”. 

Ngoài ra sự độc đáo của ga Bà Đen là thiết kế mái được tạo hình 3 cột sóng. Nhìn từ trên cao, 3 cụm mái nhô lên tượng trưng cho 3 ngọn núi là núi Bà, núi Phụng và núi Heo. 

Nhà Ga Bà Đen
Nhà Ga Bà Đen

Sảnh trung tâm nhà ga gồm 5 cây cột lớn, mỗi cột được cách điệu như 5 cây cổ thụ được che chở bởi Núi Mẹ, khiến du khách cảm giác như đang đứng trong một khu rừng.

Sảnh trung tâm nhà Ga Bà Đen
Sảnh trung tâm nhà Ga Bà Đen

Nhà Ga Chùa Hang

Ga Chùa Hang (ga đến của quần thể chùa Bà) được thiết kế độc bản, không giống với bất cứ nhà ga nào trên thế giới vì hình dáng như một ngôi chùa 5 tầng uy nghiêm, trầm mặc.

Nguồn cảm hứng được lấy từ kiến trúc của Chùa Bà và Chùa Hang, màu chủ đạo là màu vàng tươi, gạch lát nền củng mang đậm màu sắc Phật giáo miền Nam.

Nhà Ga Chùa Hang Núi Bà Đen
Nhà Ga Chùa Hang Núi Bà Đen

Nhà Ga Vân Sơn

Nhà ga Vân Sơn nằm trên đỉnh núi Bà Đen, được lấy cảm hứng từ kiến trúc Tòa Thánh đạo Cao Đài, không gian nhà ga được kiến tạo bởi vật liệu chủ đạo là đá sandstone, vòm cửa uốn cong, cửa sổ được tô điểm thêm những mảnh kính màu, tạo thành những bức tranh lập thể đa sắc.

Sảnh Nhà Ga Vân Sơn Núi Bà Đen
Sảnh Nhà Ga Vân Sơn Núi Bà Đen

Sảnh chính được trang trí với nhiều đèn chùm lớn, gờ phào uốn lượn, tạo nên một không gian rộng rãi và ngập tràn ánh sáng. Mang trong mình phong cách châu Âu cổ điển, như lạc vào trong những một câu chuyện cổ tích, nhà ga Vân Sơn khiến trí tưởng tượng của du khách được khơi gợi, bay bổng.

Sảnh Nhà Ga Vân Sơn Núi Bà Đen
Sảnh Nhà Ga Vân Sơn Núi Bà Đen

Dịch dã quá, Đi đâu Có gì sắp toang rồi, bạn có thể ủng hộ page bằng 1 lượt nh.ấ.p vào QC ở bên dưới, bên trái hay phải gì cũng được để ủng hộ page phát triển không ạ :(((

Tuyến cáp treo núi Bà Đen

Hệ thống cáp treo lên núi Bà Đen gồm hai tuyến cáp:

  1. Tuyến cáp Chùa Hang đi từ chân núi lên chùa Bà Đen có chiều dài 1.210m, độ chênh giữa ga Bà Đen – ga Chùa Hang là 259m, gồm 78 cabin, mỗi cabin có sức chứa 10 người.Do đó trong 1 giờ tuyến cáp có thể vận chuyển 4.400 khách (vận tốc 8m/s, thời gian di chuyển chỉ 5 phút) gấp đôi tuyến cáp cũ, nhờ vậy mỗi dịp lễ tết du khách sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để xếp hàng và chờ đợi như những năm trước nửa.
    Tuyến cáp treo núi chùa Hang núi Bà Đen
    Tuyến cáp treo núi chùa Hang núi Bà Đen
  2. Tuyến cáp Vân Sơn đi từ chân núi lên đỉnh Bà Đen, có chiều dài 1.847m, độ chênh giữa ga Bà Đen – ga Vân Sơn là 886m, gồm 113 cabin, mỗi cabin có sức chứa 10 người, công suất vận chuyển 4.400 khách/ 1 giờ. Thay vì leo lên đỉnh núi mất 4 tiếng thì đi cáp treo chỉ còn 8 phút (vận tốc 8m/s), thỏa khao khát đặt chân tới đỉnh “nóc nhà Đông Nam Bộ” của du khách.
Tuyến cáp treo Vân Sơn núi Bà Đen
Tuyến cáp treo Vân Sơn núi Bà Đen

Vườn hoa thơ mộng trên đỉnh núi Bà Đen

Toàn bộ khu vực đỉnh núi được phủ bởi những xứ hoa, nơi hội tụ hàng trăm ngàn chậu hoa được trang trí thiết kế thành những tiểu cảnh, thác hoa, vườn hoa … Vườn hoa thơ mộng trên đỉnh núi Bà Đen Hình ảnh vườn hoa thơ mộng trên đỉnh núi Bà Đen Hình ảnh vườn hoa thơ mộng trên đỉnh núi Bà Đen 2 Cối xay gió tựa trời Âu lạc mình trên đỉnh núi Cối xay gió tựa trời Âu lạc mình trên đỉnh núi Bà Đen Nếu ai từng đi Đà Lạt, hay Bà Nà Hill Đà Nẵng thì vườn hoa trên đỉnh núi Bà Đen sẽ hội tụ khá nhiều điểm tương tự. Vườn hoa trên đỉnh núi Bà Đen

Chóp đỉnh núi Bà Đen – Một nơi săn mây lý tưởng

Lên đến Đỉnh núi Bà Đen, chóp đỉnh là nơi đánh dấu độ cao của nóc nhà Nam Bộ, nếu đến từ lúc sáng sớm thì đây sẽ là một nơi săn mây lý tưởng.  Chóp Đỉnh núi Bà Đen Nếu leo núi bằng đường chùa, vừa lên đến đỉnh, nơi đầu tiên nhìn thấy chính là chóp đỉnh bên phải. Không thể không check in chóp đỉnh 986m mà mình vừa chinh phục thành công nhé. Đỉnh chóp Núi Bà Đen Tây Ninh Nếu du khách đi ra từ ga cáp treo thì chóp đỉnh thứ nhất nằm bên tay phải. Phía sau mỏm đá là nơi mà du khách tham quan check in nhiều nhất đó Đỉnh núi Bà Đen Từ nơi cao nhất của miền Nam Bộ, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy cả miền đất Tây Ninh trù phú căng tràn sức sống như: hồ Dầu Tiếng, toà thánh Tây Ninh, thung lũng Ma thiên lãnh… Hình ảnh đỉnh núi Bà Đen Ra khỏi khu vực chóp đỉnh này đi về phía bên trái nhà ga cáp treo, du khách sẽ bắt gặp chóp đỉnh núi Bà thứ 2 Chóp đỉnh Núi Bà Đen bên trái nhà Ga Từ nơi đây sẽ nhìn thấy đường đi của cáp treo lên xuống, còn nhìn rõ được núi rừng hùng vĩ Tây Ninh. Mỏm đá trái này nhìn tự nhiên hơn mõm bên phải vì nơi đây không những có hàng rào bao bọc mà còn được che chắn bởi các thành bằng đá, nên ngồi từ đây chụp ảnh rất đẹp. 

Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận một chút nhé, từ đỉnh nhìn xuống sẽ rất dể choáng đấy vì có độ cao hơn 900m đấy. Chóp đỉnh Núi Bà Đen nhìn xuống

Tượng Phật Bà cao nhất Châu Á trên đỉnh núi Bà Đen

Ngự tọa trên đỉnh núi Bà Đen, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất Châu Á hướng đôi mắt từ bi về phía đồng bằng Tây Ninh trù phú, phổ độ chúng sinh, ban phước lành, bình an cho bách tính

Tượng Phật Bà Núi Bà Đen Tây Ninh cao nhất Châu Á
Tượng Phật Bà Núi Bà Đen Tây Ninh cao nhất Châu Á

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn có độ cao lên tới đình là 72m, toàn bộ công trình tượng phật được đúc với hơn 170 tấn đồng đỏ nguyên chất, bao gồm phần tượng, đài sen và khối đế năm tầng. Phật Bà xưa nay luôn là biểu tượng vĩnh hằng của trí tuệ, đức hạnh và cả tinh thần bao la bác ái.

Mỗi lần chiêm bái Phật Bà, mọi người đều có mong muốn cầu bình an, giải trừ rủi ro, bất hạnh, đồng thời trong lòng cảm thấy dễ chịu thanh tịnh, muộn phiền khó nhọc bỏ lại sau lưng. Tượng Phật Bà cao nhất Châu Á Trong bài phát biểu nhà điêu khắc Phạm Bá Đua nhấn mạnh: “Trong quá trình tạo hình, chúng tôi đã tham khảo một số mẫu tượng quan âm tại các chùa phía Bắc như chùa Trầm (Hà Tây cũ), chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng như một số pho tượng Phật Quan Thế Âm hiện đang là bảo vật quốc gia được lưu giữ trong bảo tàng lịch sử – mỹ thuật”.

Các yếu tố kiến trúc của tượng đều mang trong mình nhiều ý nghĩa: 

  • Vương miện đội đầu của Phật Bà được chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà, hướng con người về những điều thiện nhân, phúc lành, tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật với thế gian
  • Tay trái tượng Phật Bà cầm bình cam lồ đang dốc xuống, biểu trưng cho hành động ban phước lành, cứu rỗi chúng sinh.
  • Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudra, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp 
  • Phần đài sen của tượng có hoa văn, họa tiết được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê, tạo hình đám mây và ba giọt nước cầu cho mưa thuận gió hòa. 

Tượng Phật Bà cao nhất Châu Á trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn sừng sững uy nghi trên “nóc nhà Nam Bộ” ẩn chứa trong mình nhiều “mật mã văn hóa, kiến trúc” xứng danh trên sách kỷ lục Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi“.

Giờ mở cửa – Thời gian hoạt động tuyến cáp treo núi Bà Đen Tây Ninh

Cập nhật lịch vận hành cáp treo núi Bà Đen Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên Đán 2022 cho du khách:

  • Giờ mở cửa hoạt động TUYẾN CÁP TREO LÊN CHÙA HANG (Áp dụng từ 18:00 ngày 31/01/2022 – Tức 29 Tết): 05:00 đến 02:20 (T2-CN). Ngưng bán vé khứ hồi lúc 1:00 và ngưng bán vé 1 chiều lúc 1:30.
  • Giờ mở cửa hoạt động TUYẾN CÁP TREO LÊN ĐỈNH NÚI (Áp dụng từ ngày 01/02/2022 – Tức mồng 1 Tết): 06:00 đến 22:20 (T2-CN). Lưu ý: Ngừng bán vé lúc 21:00
Giờ mở cửa - Thời gian hoạt động tuyến cáp treo núi Bà Đen Tây Ninh trong dịp tết Nguyên Đán 2022
Giờ mở cửa – Thời gian hoạt động tuyến cáp treo núi Bà Đen Tây Ninh trong dịp tết Nguyên Đán 2022

Núi Bà Đen mở cửa chưa?

Núi Bà Đen có mở cửa không? Đây là câu hỏi mà du khách hiện tại đặt ra nhiều nhất cho Đi đâu Có gì. Thì câu trả lời là: Từ ngày 14/1/2022 Khu Du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh chính thức mở cửa trở lại đón du khách tham quan Chùa Bà. Nhưng đảm bảo quy định tại BaDenMoutain nhằm thích ứng an toàn với dịch Corona như sau:

  1. Du khách phải chích ngừa đủ 2 mũi Vaccine trở lên.
  2. Khai báo y tế khi vào khu du lịch.
  3. Tuân thủ quy định 5k trong suốt quá trình tham quan Núi bà Đen.
  4. Không được mang đồ ăn hay nước uống từ bên ngoài vào KDL.

Lưu ý: Hiện tại Núi Bà Tây Ninh mở cửa đón khách tham quan viến chùa Bà và mở cửa tuyến cáp treo từ Chùa lên Đỉnh với chi phí vô cùng ưu đãi trong dịp tết Nguyên Đán hiện nay. Vậy nên Du khách muốn trải nghiệm du lịch tại đỉnh núi hay thăm viếng chùa Bà linh thiêng dịp Xuân 2022 có thể đến bình thường nhé.

Núi Bà Đen mở cửa chưa thì câu trả lời là đã mở cửa lại rồi nhé mọi người
Núi Bà Đen mở cửa chưa thì câu trả lời là đã mở cửa lại rồi nhé mọi người

Bảng giá vé vào cổng núi Bà Đen Tây Ninh

Kể từ ngày 02.02.2022 KDL Bà Đen Tây Ninh miễn phí vé vào cổng khu di tích lịch sử Núi Bà Đen cho tất cả du khách. Thời gian dự kiến đến hết năm 2022 lận nhé, vậy nên gần đến rằm tháng giêng rồi, bạn hãy cùng gia đình du xuân, viếng chùa linh thiêng tại đây nhé!

Bảng giá vé cáp treo núi Bà Đen Tây Ninh mới nhất Tháng 2/2022

Giá vé cáp treo núi Bà Đen có sự thay đổi từ 02.02.2022 với:

  • Giá vé cáp treo – xe trượt ống Khứ hồi lên chùa Bà (đã bao gồm vé xe điện) là 245.000đ/1 người lớn hoặc Trẻ em trên 1m4, Trẻ em (Từ 1 – 1m4) là 150.000đ/1 lượt.
  • Giá vé cáp treo – xe trượt ống Một chiều lên chùa Bà là 140.000đ/ 1 người lớn hoặc Trẻ em trên 1m4, Trẻ em (Từ 1 – 1m4) là 80.000đ/1 lượt.
  • Giá vé Cáp treo Khứ hồi lên đỉnh núi Bà Đen là 245.000đ/1 người lớn hoặc Trẻ em trên 1m4, Trẻ em (Từ 1m – 1m4) là 150.000đ 
  • Trẻ em dưới 1m được miễn phí vé cáp treo.

Lưu ý: Vé cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen chỉ có khứ hồi không có một chiều, dù đi bộ lên đỉnh rồi mua vé xuống cũng là 245.000đ. 

Bảng giá vé cáp treo núi Bà Đen mới nhất tháng 2-2022
Bảng giá vé cáp treo núi Bà Đen mới nhất tháng 2-2022

Giá vé cáp treo núi Bà Đen mới nhất

Ngoài ra, nay giá vé cáp treo núi Bà Tây Ninh đang có giá vé vip là 390.000 VNĐ/vé dành cho người lớn và 245.000 VNĐ/ vé dành cho trẻ em.

Giới thiệu núi Bà Đen Tây Ninh

Đi đâu có gì sẽ giới thiệu tổng quan về núi Bà Đen, giúp du khách trả lời những câu hỏi như “ Núi Bà Đen ở đâu?”, “Lịch sử hình thành núi Bà Đen” … Núi Bà Đen Tây Ninh

Núi Bà Đen nằm ở đâu?

Núi Bà Đen nằm ở khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Núi thuộc địa phận xã Thạnh Tân cách thành phố Tây Ninh 11Km, đi về hướng Tây Bắc. Từ thành phố Hồ Chí Minh đến núi Bà Đen khoảng 80Km, thời gian di chuyển từ 2-3 tiếng tuỳ thuộc vào phương tiện.

Tổng quan về núi Bà Đen

Núi Bà Đen với diện tích là 24 km², được tạo thành từ 3 ngọn núi: Núi Heo – Núi Phụng – Núi Bà Đen, trong đó núi Bà Đen cao nhất với độ cao là 986m được mệnh danh là Ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ Núi Bà Đen nhìn từ xa có hình dạng chiếc nón lá đang nằm úp, quanh năm đều bao phủ bởi những làn sương mờ mờ ảo ảo.

Hình ảnh núi Bà Đen nhìn từ xa
Hình ảnh núi Bà Đen nhìn từ xa

Núi Bà Đen có gì chơi?

Đi đâu có gì Núi Bà Đen vừa có thể là nơi để du khách lựa chọn hành hương viếng chùa; vừa là nơi để đi chơi, ngắm cảnh, check in cùng người thân và bạn bè…

Có thể hình dung đơn giản dễ hiểu một chút thì núi Bà Đen có 2 tầng để khám phá: Tầng 1 lưng chừng núi: nơi tụ họp quần thể các ngôi chùa và hang động nổi tiếng với những sự tích ly kỳ của vùng đất Tây Ninh. Từ chân núi lên chùa Bà với độ cao khoảng 300m có thể đi đường bộ hoặc đi máng trượt – cáp treo (Tham khảo Giá vé cáp treo ở trên)

Tầng 1 Chùa Bà Tây Ninh
Tầng 1 Chùa Bà Tây Ninh

Tầng thứ 2 là đỉnh núi Bà Đen (nóc nhà Nam Bộ), đây là nơi mà từ đầu năm đến giờ thu hút đông đảo khách du lịch nhất vì sự đổi mới của nó. Với độ cao hơn 600m từ Chùa Bà lên đỉnh, du khách có thể đi bằng cách leo núi hoặc đi cáp treo

Tầng 2: Đỉnh núi Bà Đen (nóc nhà Nam Bộ)
Tầng 2: Đỉnh núi Bà Đen (nóc nhà Nam Bộ)

Vì vậy, trả lời câu hỏi núi Bà Đen 2021 có gì mới mẻ thì chúng tớ có thể tóm tắt đơn giản thế này: nhà Ga cáp treo lớn nhất thế giới, chùa Bà Tây Ninh linh thiêng, chinh phục đỉnh núi Bà Đen (nóc nhà Nam Bộ), Tượng Phật Bà cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi, vườn hoa thơ mộng tựa Đà Lạt.

Hướng dẫn đường đi đến núi Bà Đen từ thành phố Hồ Chí Minh

Bạn có thể di chuyển đến núi Bà Đen bằng nhiều phương tiện khác nhau như: đi xe hơi riêng, thuê xe dịch vụ, phượt bằng xe máy hoặc đi xe buýt Từ thành phố Hồ Chí Minh bạn có thể đón xe buýt 

  • Bến Thành – bến xe Củ Chi, An Sương – bến xe Củ Chi, Chợ Lớn – bến xe Củ Chi (Giá vé khoảng 6 – 10k/lượt)
  • Từ Củ Chi – bến xe Tây Ninh giá khoảng 25k
  • Bến xe Tây Ninh – Chùa Bà Đen giá khoảng 15k, xe buýt sẽ dừng tại cổng sau của Núi Bà Đen, tại đây bạn có thể mua nước suối với giá 10k/chai, nếu ở cổng trước là 15k/chai, nước ngọt 20k, kem 30k/cây

Các chuyến xe từ Tây Ninh về lại thành phố Hồ Chí Minh thường có chuyến cuối lúc 18h nên đừng quên thời gian để về nhé Nếu đi phượt từ thành phố Hồ Chí Minh đến Núi Bà mất khoảng 2 – 3 tiếng, khoảng 70k tiền xăng xe. Đối với những bạn mê tốc độ thì có khi 1 tiếng đồng hồ là đến nơi rồi cũng có. =)) Du khách có thể lên Google Map để tìm đường đi đến núi Bà Đen một cách nhanh nhất.

Hành trang chuẩn bị trước khi đi

  1. Phương tiện di chuyển: những bạn mê phượt như bọn mình thì xe máy là lựa chọn tối ưu nhất đấy, đoạn đường có rất nhiều cây xăng nên đi gần hết rồi hẵng đổ cũng được nhé
  2. Dụng cụ chụp hình (check in): dù sử dụng dụng cụ gì để check in thì hãy sạc thật đầy pin nhé, chuẩn bị cho mình gậy tự sướng, tripod, sạc dự phòng, khu vực chùa Bà có nhiều chỗ nghỉ chân có sẵn ổ cắm điện trên tường nên mang theo cho mình dụng cụ sạc pin nhé. Tin mình đi, sau khi kết thúc chuyến đi trong điện thoại của bạn có thể có cả ngàn tấm ảnh nên đừng để chưa kịp tới đỉnh núi đã hết pin như chúng mình nhé.
  3. Áo mưa: không phải mùa mưa mới cần đâu, áo mưa rất dễ gấp gọn trong balo, khi cần có thể trải ra để nghỉ ngơi, trò chuyện, ăn uống, cắm trại; nếu đi đông có thể mang theo bạc
  4. Quạt: buổi trưa ở chùa đông người sẽ nắng và nóng, chuẩn bị cho mình 1 chiếc quạt giấy (mua tại chùa thấp nhất 3k/quạt giấy), có sẵn quạt pin mini cầm tay ở nhà thì nhớ mang theo nhé
  5. Quần áo: một bộ mặc trên người là được rồi nhé, càng nhẹ càng đỡ mệt đấy, áo khoác, nón. Ba mẹ hãy chuẩn bị đủ đồ nếu đi cùng trẻ nhỏ nhé
  6. Thức ăn: đồ ăn tại khu du lịch sẽ mắc tiền, nhưng đâu phải ngày nào ta cũng đi nên nếu được chỉ nên mang ít trái cây hay 1 2 hộp bánh nhỏ thôi. Tiết kiệm chi phí bằng cách tìm quán ăn chay tại khu vực của chùa Bà, hỏi giá cả trước khi ăn
  7. Ba lô: cứ 2 người 1 balo nhỏ, trong đó chỉ nên để một ít mỹ phẩm để makeup
  8. Kem chống nắng, kem chống muỗi, thuốc ….
  9. Ngoài ra, nếu có dự định ở lại qua đêm trên núi Bà Đen thì phải trang bị lều, áo ấm, đồ ăn…

Chia sẻ kinh nghiệm: Di chuyển lên chùa bằng cách đi bộ hay đi cáp treo thì hành trang mang theo đừng quá nhiều nhé, cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể để chuyển đi không quá mệt. Nên mang theo một chiếc ba lô còn trống để khi mệt có thể cất áo khoác khi cần. 

Một số link mua đồ đi du lịch cho bạn nào cần:

Nên đi du lịch núi Bà Đen Tây Ninh vào mùa nào là lý tưởng nhất

Thông thường, du khách sẽ phải mất nửa ngày nếu lựa chọn hành trình chinh phục đỉnh núi. Do đó, vai trò của thời tiết là hết sức quan trọng. 

Du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh vào mùa khô là lý tưởng nhất bởi để check-in cảnh sắc thiên nhiên nơi đây
Du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh vào mùa khô là lý tưởng nhất bởi để check-in cảnh sắc thiên nhiên nơi đây

Mùa khô ở tỉnh Tây Ninh sẽ bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 của năm sau. Nên thời gian này là lý tưởng nhất để du lịch núi Bà Đen Tây Ninh. Đặc biệt là vào mùa lễ hội chùa Bà Đen từ Ngày 4 – 16 của tháng Giêng, lượng khách hành hương đến đây là rất lớn.

Mùa mưa (từ Tháng 5 – Tháng 11), du khách cũng có thể tham quan, du lịch núi Bà. Tuy nhiên, du khách nên xem dự báo thời tiết trước khi đi để lựa chọn được ngày khô ráo. 

Tây Ninh có gì đẹp 2021? Đừng bao giờ bỏ qua chùa Bà Tây Ninh linh thiêng

Những gì chúng mình biết về chùa Bà Tây Ninh có độ tuổi hơn 300 năm, nổi tiếng và linh thiêng bởi những sự tích ly kỳ. Năm 2021, chùa Bà Đen là địa điểm du lịch lý tưởng cho gia đình,bạn bè và cả những cặp đôi đang yêu. Hình ảnh Chùa Bà Tây Ninh

Sự tích núi Bà Đen

Hằng năm, núi Bà Đen Tây Ninh thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước, vì đây là nơi linh thiêng có ý nghĩa tâm linh do gắn liền với sự tích núi Bà Đen Truyền thuyết Núi Bà Đen bây giờ đã có rất nhiều dị bản nhưng nhưng nổi bật nhất có thể là sự tích kể về bà Linh Sơn Thánh Mẫu nhiều lần hiển linh báo mộng.

Thuở ấy, ở vùng đất xa xôi nay thuộc địa phận Trảng Bàng, có một ngọn núi mang tên Núi Một (núi Bà Đen bây giờ), trên núi có tượng phật bằng đá rất linh thiêng nên dân làng thường xuyên lên núi cúng phật. Núi Điện Bà Trong làng, có một cô gái da ngăm đen, gia đình gia giáo tên Lý Thị Thiên Hương, được rất nhiều người mến mộ. Nàng Lý cũng hay lên núi lễ Phật vào những ngày rằm trăng sáng.

Một ngày nọ, trên đường lên núi lễ phật, Thiên Hương bị một tên quan vô lại nhìn trúng muốn bắt cóc về làm thiếp. Tên quan sai một thầy võ tên Châu Thiện vây bắt Thiên Hương.  Ngay lúc nguy khó, Lê Sỹ Triệt – chàng trai nghèo khó lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng đã ra tay cứu giúp. 

Cảm động trước sự nghĩa hiệp của chàng, Thiên Hương về thuật lại với cha mẹ và được đồng ý gả cho Lê Sỹ Triệt. Nhưng chưa kịp lấy nhau, Lê Sỹ Triệt phải đi tòng quân (Tây Sơn thời đó). Từ đó, Thiên Hương ở nhà quyết một lòng chung thuỷ, nàng thường xuyên lên núi lễ phật cầu bình an cho Sỹ Triệt.

Không may, trong một lần lên núi, nàng bị bọn Châu Thiện vây bắt, định làm nhục. Thiên Hương quyết giữ trinh tiết, nên nhảy xuống khe núi tự vẫn. 

Ba hôm sau, Thiên Hương về báo mộng cho nhà sư Trí Tân: “Đệ tử là Thiên Hương 18 tuổi, chẳng may bị gia nô của quan huyện Trảng Bàng vây bắt, phải nhảy xuống khe núi quyên sinh tử tiết. Nhờ căn tu kiếp trước nên xác 3 ngày vẫn còn nguyên, kính xin sư phụ xuống triền núi đông nam tìm thi hài đệ tử về mai táng giùm.”

Nhà sư theo lời báo mộng tìm thấy xác của Thiên Hương, đem về chôn cất đàng hoàng. Vì khi báo mộng nàng Thiên Hương trông đen đúa nên nhà sư gọi là nàng Đen.

Sau này lời đồn truyền đến tai của vị quan Thượng quốc công Lê Văn Duyệt. Ông đã tìm hiểu thực hư và dâng sớ về triều phong cho Lý Thị Thiên Hương chức vị “ Linh Sơn Thánh Mẫu”.

Trong dân gian, người ta lại kể rằng chính Vua Gia Long đã sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, nơi động thờ bà là Linh Sơn Tiên Thạch Động và cũng chính vua đã cho đúc cốt bà thành tượng đồng đen để phụng thờ.

Tượng Bà “Linh Sơn Thánh Mẫu
Tượng Bà “Linh Sơn Thánh Mẫu

Trải qua 2 cuộc chiến tranh Pháp Nhật, tượng bà nhiều lần bị lạc mất nhưng được Bà hiện về báo mộng tìm lại, ngôi chùa cũng được sửa chữa có tên là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Ngày nay, ngôi chùa thật khang trang và rộng rãi, sẵn sàng phục vụ du khách đến hành hương viếng Bà, lễ Phật, tham quan du lịch. Chùa Bà Đen Tây Ninh ngày nay Theo quan niệm tâm linh của người Việt, những người phụ nữ c.h.ế.t oan thường rất thiêng. Vì vậy, hằng năm, từ mùng 4,5,6 của tháng 5 âm lịch, đều diễn ra lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Lễ vía bà là một trong những lễ hội đông vui nhất phương Nam, và được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Ngoài sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu, sự tích núi Bà Đen Tây Ninh còn trở nên ly kỳ hơn nhờ nhiều chứng tích linh thiêng xung quanh: hang Hàm Rồng thờ “cậu Bảy” thần núi của người hành hương; dấu chân Ông Khổng Lồ trên đường lên chùa Bà đến khu vực Tháp Tổ; “Suối Vàng” – con suối kỳ lạ chảy trên núi luôn óng ánh cát vàng; tảng đá nứt đôi sau khi được nhà sư tụng kinh cho;…

Hệ thống chùa Bà Đen

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (chùa Bà) có diện tích 210 m² (rộng 14m, dài 15m), ngôi chùa mang kiến trúc cổ xưa, tiền đường còn giữ 2 cột đá xanh từ thời Tổ Tâm Hòa (1919), mỗi cột được chạm hình rồng rất uy nghi (cao 4m5, đường kính 0,45m)

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (chùa Bà)
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (chùa Bà)
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (chùa Bà Đen)
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (chùa Bà Đen)

Ngoài Linh Sơn Tiên Thạch, tầng lưng chừng núi này còn có các chùa khác như chùa Hang (Linh Sơn Long Châu), chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung), chùa Linh Sơn Hòa Đồng, chùa Quan Âm và hàng trăm hang động khác …

Hình ảnh Chùa Bà Tây Ninh
Hình ảnh Chùa Bà Tây Ninh
Động Thanh Long - Núi Bà Đen Tây Ninh
Động Thanh Long – Núi Bà Đen Tây Ninh
Động Thanh Long - Núi Bà Tây Ninh
Động Thanh Long – Núi Bà Tây Ninh

Lên chùa thắp một nén nhang

Dù trong dù đục vẫn tìm an yên

Đặc sản Tây Ninh – Đi núi Bà Đen Tây Ninh có nên mua đặc sản tại đây mang về không?

Nhắc đến đặc sản Tây Ninh, người ta lại nghĩ ngay đến bánh tráng, muối Tây Ninh nổi tiếng, từ chân núi Bà Đen lên tới đỉnh vẫn thấy bán đầy đủ các loại. Tuy nhiên, giá cả ở khu du lịch thì cao hơn những nơi khác, du khách nên lựa chọn những sản phẩm phù hợp để mang về làm quà cho người thân nhé. Bánh tráng tùy loại giá từ 25k/250gr – 45k/500gr, muối tôm Tây Ninh giá từ 200 – 280k/1kg đặc sản tây ninh núi bà đen đặc sản tây ninh núi bà đen 2 Ngoài ra, du khách còn có thể mua những đặc sản khác như: kẹo thèo lèo (25k/gói), nem bưởi (40k/chục), chùm ruột (60k/hũ) … Tùy thời điểm du khách đi mà giá cả có thể thay đổi, nếu bạn nào đi phượt bằng xe máy, trên đường về có thể ghé chợ Tây Ninh mua nhé.

Kể từ khi khu du lịch Sun World BaDen Mountain được Tập đoàn Sun Group đưa vào hoạt động, núi Bà Đen Tây Ninh “thay áo mới” với những khung hình đa sắc. Từ ngày rằm cho đến lễ tết, du khách có thể hành hương chiêm bái tượng Phật Bà từ bi, dạo bước giữa khung cảnh tươi đẹp của những vườn hoa thơ mộng trên đỉnh núi Bà Đen, thưởng thức tinh hoa ẩm thực tại nhà hàng Vân Sơn tại đỉnh núi, chinh phục nóc nhà Nam Bộ và cầu nguyện một năm bình an, mọi việc suôn sẻ.

Dịch dã quá, Page sắp toang rồi, bạn có thể ủng hộ page bằng 1 lượt nh.ấ.p vào QC ở bên dưới, bên trái hay phải gì cũng được để ủng hộ page phát triển không ạ :(((

4.6/5 - (5 bình chọn)

Có thể bạn sẽ thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *