Vườn Quốc gia U Minh Thượng – Review Khám phá vẻ đẹp U Minh

Vườn Quốc gia U Minh Thượng trước đây là khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, sau này đã được nâng cấp lên thành Vườn Quốc gia U Minh Thượng và được UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm quản lý.

Thông tin về Vườn Quốc gia U minh Thượng

Đây là khu lưu trữ sinh quyển thứ năm ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ hai trong số tám khu lưu trữ sinh quyển ở Việt Nam. Tháng 1 năm 2002, U Minh Thượng chính thức được công nhận là Vườn Quốc gia. Đây là một trong ba khu vực đang được bảo tồn nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn sinh quyển Thế Giới với nhiều cấp độ hơn bất kỳ khu bảo tồn nào ở Đông Nam Á.

Vẻ đẹp đến mê hồn của U Minh Thượng
Vẻ đẹp đến mê hồn của vườn quốc gia U Minh Thượng

Vị trí địa lý

Rừng U Minh bị sông Trẹm cắt ngang và chia U Minh thành hai phần là U Minh Thượng (thuộc Kiên Giang) và U Minh Hạ (thuộc Cà Mau). U Minh Thượng thuộc kiểu rừng đặc thù, thuộc hạng độc đáo và quý hiếm bậc nhất trên Thế Giới. Rừng ở đây chủ yếu là rừng nguyên sinh.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng rộng hơn 21 ngàn ha, trong đó vùng lõi rộng hơn 8 ngàn ha và còn lại là vùng đệm, cách Rạch Giá gần 65km.

U Minh Thượng và U Minh Hạ
U Minh Thượng và U Minh Hạ

Lịch sử

Trong quá khứ, rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn U Minh hay con được người dân gọi với cái tên là “rừng hồ”. Diện tích rừng đã giảm nhiều so với trước kia theo một chu kỳ cứ 20 năm giảm một nửa, năm 1950 U Minh Thượng có diện tích 400 ngàn ha, năm 1970 còn 200 ngàn ha, năm 1990 còn 100 ngàn ha và đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 80 ngàn ha.

Ngoài ra, U Minh Thượng còn được gọi với một tên gọi khác là “Thập Câu” vì có mười con rạch lớn đổ ra vịnh Thái Lan. Đây là nơi mà Nhà văn Đoàn Giỏi đã đi thực tế và sau đó là sự ra đời của một tác phẩm nổi tiếng được nhiều người yêu thích “Đất rừng Phương Nam”.

Ngã tư sông ở U Minh Thượng
Ngã tư sông ở vườn quốc gia U Minh Thượng

Đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trong hệ thống Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đến đây khách tham quan sẽ được dịp khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước, hệ sinh thái đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam.

Hình ảnh U Minh Thượng từ trên cao
Hình ảnh Vườn Quốc gia U Minh Thượng từ trên cao

Hệ động vật ở U Minh Thượng không giàu có so với các khu bảo tồn khác, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với hệ sinh thái rừng ngập nước úng phèn và đồng bằng Sông Cửu Long.

Nơi đây có các đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, phong phú với sự xuất hiện 32 loài thú thuộc 10 họ, 7 loài dơi, 10 loài có tên trong sách Đỏ như rái cá mũi lông, mèo cá, sóc Finlayson, tê tê Java, cầy vòi hương… 188 loài chim thuộc 39 họ và 12 chi trong đó có 12 loài cần được bảo tồn và 8 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên Thế Giới như bồ câu chân xám, đại bàng đen,…; 54 loài bò sát trong đó có 8 loài có tên trong sách Đỏ như trăn gấm, rắn cạp nong,… và 64 loài cá.

Tê tê - loài nguy cấp đang được bảo vệ ở nhiều quốc gia
Tê tê – loài nguy cấp đang được bảo vệ ở nhiều quốc gia

Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn chính là hệ sinh thái có tầm quan trọng lớn đối với hệ động vật ở U Minh Thượng, đây là nơi sinh sống và cư ngụ của nhiều loài động vật, gồm các loài chim, thú, bò sát, cá, lưỡng cư, các loài côn trùng và vô số các loài sinh vật thủy sinh khác sinh sống.

Hình ảnh loài rái cá quý hiếm bậc nhất Thế Giới ở U Minh Thượng
Hình ảnh loài rái cá quý hiếm bậc nhất Thế Giới tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng

U Minh Thượng là nơi có hệ thực vật đa dạng bậc nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh cây tràm, U Minh Thượng còn có hơn 254 loài thuộc 84 họ. Nhiều loài đặc hữu như phong lan đất, dương xỉ,…

Theo những dữ liệu khảo sát từ năm 1995, Khu bảo tồn U Minh Thượng sở hữu tới 8.053 ha rừng nguyên sinh, với 3.000 ha là rừng nguyên sinh được hình thành từ 6.000 năm trước.

Từ các khảo sát nghiên cứu cho thấy hệ sinh thái rừng Cajuput trên đất than bùn có tầm quan trọng đặc biệt, cung cấp nơi trú ẩn và sinh sống cho nhiều loài động vật nguy cấp, đóng vai trò thiết yếu trong việc cân bằng sinh thái, điều hòa dòng chảy và tăng chất lượng nước, giảm hiệu ứng nhà kính…

Du lịch, khám phá, trải nghiệm ở U Minh Thượng

Những năm gần đây, U Minh Thượng được biết đến là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở miền Tây Nam Bộ và ngày càng thu hút nhiều du khách tìm đến, đặc biệt là những yêu thích khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ.

Đàn khỉ kiếm ăn giữa các khu rừng U Minh Thượng
Đàn khỉ kiếm ăn giữa các khu rừng

Khi đặt chân đến với Vườn Quốc gia U Minh Thượng, du khách sẽ cảm nhận cảm giác dễ chịu, thư thái bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ. Du lịch sinh thái ở U Minh, khách tham quan sẽ được khám phá các khu rừng tràm và thử thức mật ong tự nhiên tại rừng, khu sân chim, máng dơi.

Đối với những bạn trẻ thích sự mới lạ thì có thể có lựa chọn loại hình du lịch homestay, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa của cư dân bản địa. Trải nghiệm sống nhà dân, cùng với người dân tham gia các hoạt động thường ngày của họ. U Minh Thượng là nơi sinh sống của ba dân tộc là Kinh, Khmer và Hoa với người Kinh chiếm đa số. 

Trải nghiệm sống hòa mình giữa thiên nhiên
Trải nghiệm sống hòa mình giữa thiên nhiên

Ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng có một nghề truyền thống lâu đời được gọi là “gác kèo, ăn ong”. Mỗi năm vào mùa hoa nở, người dân lấy các cây gỗ lớn như kèo nhà mang vào rừng tràm gác lên để cho ong về làm tổ. Sau khoảng hai tuần, kể từ khi ong về làm tổ sẽ cho thu hoạch đợt mật đầu tiên. Một tổ ong sẽ cho thu hoạch trung bình từ 15 đến 20 lít mật và có thể thu hoạch từ 3 đến 4 lần. Mật ong rừng tràm U Minh nổi tiếng thập phương về độ thơm, ngon, ngọt nên việc nuôi ong lấy mật đã mang đến cho người dân nơi đây khoảng thu nhập đáng kể.

Nghề “Gác kèo, ăn ong” lâu đời ở U Minh Thượng
Nghề “Gác kèo, ăn ong” lâu đời ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Với đặc thù là rừng ngập nước, trong mùa mưa phải di chuyển bằng xuồng trên các kênh rạch, luồn lách, len lỏi trong các khu rừng, càng đi sâu vào trong, du khách càng khám phá ra những điều thú vị của rừng tràm, những tổ chim, tổ ong, đặc biệt là các loài cá kiếm ăn, sinh sản trong rừng. Khi đến vào mùa tràm nở hoa thì du khách sẽ nghe được hương thơm của hoa tràm lan tỏa khắp khu rừng.

Đi thuyền khoảng 30 phút thì đến Trảng Chim. Lau, cỏ lác cao ngang đầu người. Trảng chim ở Vườn Quốc gia rất rộng với hàng chục vạn loài chim đủ loại quy tụ tại đây thành bầy, đàn như: chim nước, chim có giọng hót hay chuyên ăn trái chín, sâu bọ,… tạo nên sự thích thú cho du khách. Theo số liệu thống kê, vườn chim U Minh Thượng có số lượng chim lớn nhất trong tất cả những vườn chim thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Những loài chim kỳ lạ và nhiều màu sắc ở vườn quốc gia u minh thượng
Những loài chim kỳ lạ, nhiều màu sắc

Du khách sẽ được trải nghiệm đi trên những cây cầu khỉ, ghép bằng gỗ tạp tiến về đài quan sát cao khoảng 30 mét. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra bốn phía, tận hưởng bầu không khí trong lành, tận hưởng cái bao la, sảng khoái của thiên nhiên, đất trời. Hàng ngàn con chim lớn đậu trên những ngọn cây cao, thi nhau tung cánh bay lên, làm thành những vũ điệu hoang dã và quyến rũ.

Trải nghiệm đi cầu khỉ ở vườn quốc gia u minh thượng
Trải nghiệm đi cầu khỉ

Không gian mát mẻ, thoáng đãng, du khách đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản rừng U: cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá rô rang muối, cá trê vàng nướng ăn với nước mắm rừng, cá thác lác muối sả nghệ chiên… Bên cạnh đó, còn có các món khác như: mắm cá lóc chưng hột vịt, thịt ba rọi ăn với rau rừng, bắp chuối, ..Vừa thưởng thức đặc sản sông nước U Minh vừa nhâm nhi ly rượu đế, du khách còn được thưởng thức đờn ca tài tử. 

Đó là tất cả những gì bạn cần biết trước khi đến với Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Hy vọng những thông tin trên của Đi đâu Có gì sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về U Minh.Thật sự đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách khi đặt chân tới rừng U Minh.

Rate this post

Có thể bạn sẽ thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *